Mục tiêu xuất khẩu 17,5 tỷ USD của ngành gỗ “trong tầm tay"

  Xuất khẩu gỗ đã lấy lại đà tăng trưởng khi kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam 5 tháng đầu năm ước đạt hơn 6 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng xuất khẩu sản phẩm gỗ, ước đạt hơn 4 tỷ USD, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2023.


Theo Tổng cục Hải quan, 5 thị trường lớn và có mức tăng ấn tượng nhất là: Hoa Kỳ, Trung Quốc, EU, ASEAN, Hong Kong (Trung Quốc). Đáng chú ý, Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn nhất của Việt Nam và là một trong những thị trường tăng cao nhất với con số đạt trên 20%.


Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, ngành gỗ Việt Nam đã mở rộng thị trường xuất khẩu đến 170 quốc gia trên thế giới, thâm nhập sâu hơn vào các thị trường quan trọng như Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản và hiện diện nhiều hơn tại các thị trường mới nổi như Trung Đông, Ấn Độ… Ngành gỗ Việt Nam có vị thế thuận lợi để tận dụng nhu cầu mạnh mẽ từ thị trường trong nước và quốc tế.
>>>xem thêm: Gỗ tràm ghép thanh

Nâng cao chất lượng sản phẩm gỗ đáp ứng yêu cầu xuất khẩu

Để có đà tăng trưởng trở lại là nhờ một phần nhu cầu tiêu thụ của các thị trường nhập khẩu đang dần quay trở lại. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp cũng mạnh dạn đầu tư công nghệ mới, chuyển đổi kỹ thuật số để phát triển các sản phẩm dịch vụ mới, nâng cao khả năng cạnh tranh để thu hút các đơn hàng.

Công ty TNHH Thái Hoàng cho biết, luộc gỗ, bóc mỏng từng lớp và cắt nhỏ thành từng đôi – công đoạn tưởng như đơn giản, nhưng doanh nghiệp phải mất nhiều tháng mới có thể hoàn thiện quy trình. Những ngày đầu, gỗ cán ra chỉ dùng được khoảng 10%, còn lại bị gãy, hỏng. Giờ đây, anh Nguyễn Văn Thái – Giám đốc Công ty TNHH Thái Hoàng đã tìm được bí kíp để giảm thiểu lượng gỗ hao hụt.

“Hấp gỗ phải đạt được độ dẻo để bóc nó không bị hỏng sản phẩm…”, ông Nguyễn Văn Thái cho hay.

Sau khi cắt, đũa tiếp tục được mài nhẵn và phân loại. “Việc nhặt đũ cũng giống cô Tấm, phải phân loại ra rất nhiều loại. Đôi đũa đạt tiêu chuẩn là đều màu sắc, trơn nhẵn…”, chị Đỗ Thị Hằng – Công nhân, Công ty TNHH Thái Hoàng cho biết.

Theo Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP Hồ Chí Minh, xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ tăng trưởng mạnh là nhờ tín hiệu tích cực từ các thị trường Mỹ, EU. Trong đó Mỹ vẫn đang là thị trường lớn nhất cho xuất khẩu đồ gỗ Việt Nam, chiếm 55% trong tổng kim ngạch. Vì vậy, việc theo kịp các xu hướng mới nhất tại thị trường Mỹ là điều các doanh nghiệp đang hướng tới để đáp ứng thị hiếu chi tiêu của người dân nước này.

Hiện nay chưa phải là mùa cao điểm nhưng mỗi tháng Việt Nam xuất khẩu từ 1,2 -1,4 tỷ USD các sản phẩm gỗ. Với mức tăng như hiện nay, những tháng cuối năm vào mùa cao điểm mua sắm của các nước có thể tăng lên từ 1,6 – 1,8 tỷ USD, nên mục tiêu xuất khẩu 17,5 tỷ USD trong năm nay của Việt Nam có thể hoàn thành.


Gói tín dụng 30.000 tỷ đồng cho lâm thủy sản phát huy hiệu quả

Cùng với việc chủ động nâng cao chất lượng sản phẩm thì sự tăng trưởng trở lại của ngành gỗ một phần cũng nhờ những chính sách tín dụng đặc thù dành riêng cho ngành đã phát huy hiệu quả. Năm nay, gói tín dụng cho vay lâm sản, thủy sản đã mở rộng quy mô lên gấp đôi là 30.000 tỷ đồng. Đáng nói là việc cấp tín dụng không chỉ dừng ở 4 ngân hàng quốc doanh, mà đã có thêm nhiều ngân hàng thương mại đăng ký tham gia.

Công ty TNHH Hùng Bích Đoan Hùng cho biết, những thanh xếp gỗ được dùng để sản xuất các tấm ván ghép to, gần như toàn bộ số hàng đã được doanh nghiệp bán hết. Đơn hàng tăng, mỗi tháng doanh nghiệp cần khoảng 3 – 5 tỷ đồng vốn lưu động để thu mua nguyên liệu gỗ về sản xuất. Họ được ngân hàng cấp luôn hạn mức cả năm và giải ngân ngay khi có nhu cầu.

Ông Phạm Quang Hùng – Thành viên Hội đồng thành viên Công ty TNHH Hùng Bích Đoan Hùng cho biết: “Hạ lãi suất hạ xuống thì chúng tôi có thể mua được nhiều nguyên liệu và nhận được đơn hàng nhiều hơn, mang lại hiệu quả kinh tế cho doanh nghiệp cũng như được đảm bảo an sinh xã hội, trả nợ ngân hàng đúng kỳ, đúng hạn”.

Năm nay, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam đã tăng gấp 3 lần quy mô đăng ký gói tín dụng, lên 8.000 tỷ đồng. Tính đến cuối tháng 5, ngân hàng đã giải ngân được hơn 77%. Dự kiến cuối tháng này, ngân hàng sẽ hoàn thanh giải ngân toàn bộ.

Bà Nguyễn Thị Phượng – Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: “Agribank đã rà soát các thủ tục, hồ sơ, tiết giảm được 20% các khâu thủ tục, đẩy nhanh tốc độ giải ngân, hỗ trợ vốn kịp thời cho người dân”.

Tuy có tốc độ giải ngân tốt, nhưng chưa phải doanh nghiệp nào cũng có thể tiếp cận vốn tín dụng ưu đãi này. Thậm chí, có những doanh nghiệp vay được số tiền thấp hơn so với đăng ký, không đủ để đầu tư mở rộng quy mô sản xuất.

“Hiện để vay cần những tài sản thế chấp, hầu hết là tài sản cá nhân như ô tô, nhà. Chúng tôi mong muốn chính những vật tư, vật liệu mà chúng tôi đầu tư có thể làm tài sản thế chấp cho vay”, bà Nguyễn Thị Hải Bình – Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn STP Việt Nam mong muốn.

Ông Ngô Hùng Dũng – Giám đốc Công ty TNHH Thuỷ sản Tân An cho biết: “Với lĩnh vực thuỷ sản, để các gói hỗ trợ sát vào thực tế, ta nên để các sở nông nghiệp, chi cục thuỷ sản tham gia thẩm định để rõ ràng về sức khoẻ, tính minh bạch và năng lực của từng doanh nghiệp, hợp tác xã và cá nhân”.

Theo Ngân hàng nhà nước, đến nay các ngân hàng thương mại đã giải ngân cho vay với doanh số lũy kế đạt trên 21.000 tỷ đồng với trên 7.300 lượt khách hàng vay vốn. Với những dấu hiệu phục hồi của thị trường và tốc độ giải ngân như hiện nay, Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng đề xuất mở rộng thêm hạn mức vay ưu đãi lên đến 50.000 tỷ đồng để gỡ nút thắt tài chính cho các doanh nghiệp.

Nguồn: vtv.vn

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

TOUR DU LỊCH HÀ GIANG – ĐỒNG VĂN – SÔNG NHO QUẾ 3N2Đ

Vay tiêu dùng Shinhan Bank

TOUR LỄ 30/4: AUSTRALIA – MONO SYDNEY – FREE DAY 05 NGÀY 04 ĐÊM